Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hát Dậm làng Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng: từ đình làng ra thế giới

Tin tức - Sự kiện  
Hát Dậm làng Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng: từ đình làng ra thế giới

Hát Dậm (hay còn gọi là hát Dặm) - loại hình múa hát độc đáo chỉ có ở làng Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng (Hà Nam). Trải qua hàng trăm năm, hát Dậm có những nét độc đáo riêng. Đến nay những điệu hát Dậm được các nghệ nhân đem đi giới thiệu tại 16 quốc gia trên thế giới.  

Hát Dậm làng Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng: từ đình làng ra thế giới
Múa hát Dậm được luyện tập hàng ngày tại sân Đền Trúc, làng Quyển Sơn, xã Thi Sơn, Kim Bảng (Hà Nam)

Một loại hình nghệ thuật độc đáo

Tương truyền, ngày trước khi Lý Thường Kiệt đánh đuổi xong quân xâm lược, khi qua dòng sông Đáy thơ mộng, ông cho quân dừng lại bên núi Cấm, làng Quyển Sơn, xã Thi Sơn, Kim Bảng (Hà Nam) mở tiệc khao quân. Trong lúc cơm no rượu say, tức cảnh sinh tình ông đã sáng tác ra làn điệu hát Dậm (gồm 30 tiết mục với hơn 1.000 câu thơ). Từ đó, nhân dân trong vùng lập đền thờ Lý Thường Kiệt và truyền nhau câu hát mỗi khi diễn ra lễ hội đền Trúc vào ngày mùng 10 tháng Giêng đến ngày mùng 10 tháng Hai (Âm lịch) tại núi Cấm.

Đây cũng là một trong những nghi lễ thiêng liêng của hội đền Thánh Cả. Theo các cụ cao niên trong làng Quyển Sơn thì chính cái tên hát “Dậm” hay hát “Dặm” cũng gây nhiều tranh cãi. Đa phần, ý kiến cho rằng hát “Dậm” là chính xác cả về ngôn từ lẫn ý nghĩa. Vì trong hầu hết các làn điệu hát Dậm có nhiều động tác được miêu tả bằng hành động đánh “dậm”.

Trải qua hàng trăm năm, hát Dậm Quyển Sơn được luyện tập ngay ở sân đền Trúc, dưới chân núi Cấm. Một điều đặc biệt trong hát Dậm là chỉ lựa chọn những người con gái chưa chồng hoặc góa phụ mới được tham gia. Vậy nên ở làng Quyển Sơn, hàng năm làng đều tuyển chọn các cô gái thanh tân trong làng, tuổi từ 12-20, có giọng hát hay, xinh xắn vào phường Dậm.

Phường hát Dậm có từ 30 người trở lên. Đứng đầu phường hát là Cụ trùm, vừa cao tuổi, vừa có tài hát, đặc biệt là tài nhớ bài. Cụ trùm thuộc lòng tất cả các làn điệu, trực tiếp điều khiển con Dậm thực hiện chương trình. Khi diễn xướng, Cụ trùm mặc áo thụng vàng, vấn khăn vàng, đi dép cong, các con Dậm mặc áo mớ ba nhiễu đỏ trong cùng rồi the xanh, the đen bên ngoài, yếm đỏ, váy lĩnh, khăn đỏ, mũ tiên đính ngọc...

Nhạc cụ có cặp xênh do cụ trùm sử dụng để gõ nhịp. Một cặp trống con có đường kính 23cm, chiều cao 10cm, tay cầm dài khoảng 20cm, do 2 con Dậm vừa dùng làm đạo cụ, vừa là nhạc cụ diễn xướng.
Hát Dậm thuộc dạng ca - múa - nhạc tổng hợp. Hầu như bài nào cũng có múa và diễn. Múa trong hát Dậm có nhiều tổ hợp động tác. Một số tổ hợp động tác múa rất đẹp, duyên dáng có phong cách riêng. Đa phần bài, làn điệu hát Dậm có diễn xướng và xô. Người xướng là cụ trùm. Người xô là các con Dậm. Kỹ năng hát Dậm phải vang, rền.

Hát Dậm có khoảng 38 làn điệu, nhiều làn điệu về cơ bản có âm điệu giống nhau, chỉ khác ở 1 -  2 nốt nhạc. Sự khác nhau này do lời ca tạo nên. Chính vì thế cấu trúc của dân ca hát Dậm khá đa dạng. Trong 38 làn điệu này, phường hát Dậm gần như nối liền với nhau. Một số bài có cấu trúc khổ nhạc đơn, gồm 2 - 4 câu nhạc. Một số bài có cấu trúc hai khổ nhạc đơn (phát triển trên cơ sở của khổ nhạc đơn). Có bài có cấu trúc liên hoàn các khổ nhạc đơn (giống liên khúc).

Lời ca trong hát Dậm có các thể thơ 4 chữ, 5 chữ, thơ tự do, lục bát, lục bát biến thể, tứ tuyệt. Giai điệu các bài có nội dung cầu chúc thần thánh thì trang nghiêm, thành kính. Những bài có nội dung về sinh hoạt lao động và tâm tình nam nữ thì giai điệu tinh tế, trữ tình, trong sáng... Theo nghệ nhân 91 tuổi Trịnh Thị Răm: “Khó nhất của hát Dậm chính là những người tham gia hát Dậm chỉ là những người con gái chưa chồng hoặc goá phụ mới được tham gia. Các cô gái trong phường đến tuổi đều lần lượt đi lấy chồng. Vì vậy mà hàng năm phải lặn lội tới làng trên xóm dưới tìm người thay thế để luyện tập kịp thời, nếu không sẽ lỡ dịp lễ hội mỗi khi xuân về…”.

Phục nguyên vốn quý

Hát Dậm làng Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng: từ đình làng ra thế giới

Nghệ nhân Trịnh Thị Răm(91 tuổi), là cụ trùm đời thứ 4 phường Dậm Quyển Sơn từ năm 1990 đến nay

Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, hát Dậm Quyển Sơn dần bị phai nhạt. Dân làng không thể tổ chức lễ hội, phường Dậm cũng vì thế mà dần tan rã.

Vào khoảng cuối những năm 60 của thế kỷ trước, nhiều đoàn nghiên cứu văn hóa tìm về Quyển Sơn với ý định khôi phục làn điệu hát Dậm. Các cụ, các bà ngày trước từng tham gia phường dậm được mời về Hà Nội biểu diễn. Những buổi biểu diễn đó được ghi hình, nén vào băng để làm tư liệu nghiên cứu. Cũng nhờ đó, phường Dậm được khôi phục.

Chừng ba năm sau, có một Việt Kiều tên Ensola Thủy đến tận nhà mời cụ Trịnh Thị Răm sang nước ngoài biểu diễn hát Dậm. “Thoạt đầu tôi rất lo lắng, tự nhiên ai lại mời mình đi chơi, lại còn Tây Tàu gì đó, mình biết cái gì mà đi. Nhưng sau nghe cô Việt Kiều tâm sự tôi hiểu ra nên đồng ý”, cụ Răm nhớ lại.

Trong chuyến đi đó, ngoài cụ Răm còn có 6 người khác quê ở tỉnh Thái Bình. “Sang bên đó, bà con người Việt mình thân thiện mến khách lắm. Cả Tây, ta chăm chú lắng nghe, vỗ tay ủng hộ rất hào hứng. Tuy cũng mệt nhưng mà thấy vui, qua hát Dậm tôi có thể giới thiệu tới các nước bạn về một nét văn hóa độc đáo đậm đà bản sắc dân tộc”, cụ Răm tâm sự. Chuyến lưu diễn đó xuyên qua nhiều quốc gia như Mỹ, Pháp, Canada, Đan Mạch.

Hiện nay người cao tuổi nhất còn hiểu biết nhất về hát Dậm chính là cụ Trịnh Thị Răm bà trùm đời thứ 4 phường Dậm Quyển Sơn từ năm 1990 đến nay. Năm 2003 cụ Răm đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”. Chính cụ Răm là người đem câu hát Dậm đi biểu diễn giới thiệu ở 16 quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Anh, Na Uy, Đan Mạch, Đức… Dù tuổi đã cao nhưng cụ và các nghệ nhân nơi đây sẽ còn đem câu hát Dậm đi nhiều quốc gia khác trong nay mai.

Trần Huệ - Nguyễn Hải Theo Anninhthudo