Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kim Bảng: Cảm động vợ đạp xe chở chồng đi học

Tin tức - Sự kiện  
Kim Bảng: Cảm động vợ đạp xe chở chồng đi học


Hằng tuần, trên chiếc xe đạp, ngày nắng cũng như mưa, chị kẽo kẹt chở anh tới lớp học bổ túc, tất bật về nhà lo cho con đến trường rồi lại hối hả để kịp giờ tới cơ quan. Bao năm qua, chị là đôi mắt, đôi tay cho người chồng khiếm thị, tàn tật của mình.

Kim Bảng: Cảm động vợ đạp xe chở chồng đi học
Để có được hạnh phúc này, chị Tân đã phải nỗ lực rất nhiều.

Được bố chồng chữa bệnh rồi xe duyên

Chị là Đinh Ngọc Tân quê ở Kim Bảng, Hà Nam. Cách đây hơn 10 năm, chị bị chứng bệnh khớp hành hạ, hai đầu gối nóng đỏ, sưng đau. Gia đình làm nông nghiệp, chân phải lội bùn, không kiêng được, bệnh ngày càng nặng đến lúc không đi được. Chị khăn gói lên Hà Nội chữa bệnh, may mắn, gặp được người thầy thuốc tốt bụng, thương hoàn cảnh của chị, đã cho chị ở lại nhà rồi nhận chữa cho.

Người thầy thuốc đó có một anh con trai không may bị tàn tật từ năm 12 tuổi do tai nạn. Một lần anh Nguyễn Văn Đức cùng bạn nghịch bới đống than trong bệnh viện của bố vô tình cầm ngay vào một đầu đạn khiến đạn nổ. Hai mắt bị hỏng cùng đôi bàn tay giập nát không thể cứu được đã biến một cậu bé từ khôi ngô thành tàn tật.

Chị Tân kể, lần đầu tiên nhìn thấy anh, ấn tượng nhất với chị là đôi ống chân anh đầy vết bầm tím vì va đập. Trong lúc đau đớn bởi bệnh tật, chị bỗng thấy thương và có niềm đồng cảm với người cùng cảnh ngộ. Anh và chị trở nên thân thiết, dần trở thành bạn bè.

Thấy các con gần gũi, thân mật với nhau, vị bác sĩ có ý tác thành hai con nên duyên chồng vợ. Nghĩ mình đau yếu, bệnh tật, ở quê có lẽ khó có thể tìm được người chồng biết thông cảm, lại thương anh số phận không may mắn, chị gật đầu đồng ý.

"Dù tiền tỷ cũng không đẻ thuê"

Anh Đức tâm sự: "Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay, cả hai thứ đó tôi đều thiếu. Người ta hỏng mắt thì còn có đôi tay để sờ nắm, cảm nhận còn đây tôi mất tất, khó khăn nhân lên bội phần". Và suốt bao năm qua, từ khi về làm vợ anh, chị Tân đã thay cả đôi mắt, đôi tay cho chồng, đỡ đần cho anh phần nào khó khăn đó. Chỉ có điều, nỗi vất vả lại chuyển sang phía chị.

Không kể những lần đưa anh đi sinh hoạt các câu lạc bộ, tuần 3 buổi chị dậy sớm chuẩn bị đồ ăn cho cả nhà, kẽo kẹt chở anh 2 cây số ra bến xe buýt bắt xe đi học lớp bổ túc rồi lại hối hả quay về kịp đưa con tới trường, tới cơ quan làm việc. "Đây là cái xe mới một bác hảo tâm tặng. Còn trước đây, cái xe của tôi cũ nát lắm. Anh ấy sắp lấy được bằng cấp 3, đang "dọa" tôi sẽ học tiếp đại học đấy", chị Tân lườm yêu chồng.

Lo cho con cái học hành, cuộc sống của cả nhà đều trông vào đồng lương ít ỏi của chị... bao lo toan dồn lên vai chị. Cũng may là anh rất kiên cường, luôn muốn tự lập và cũng biết giúp đỡ vợ con. Anh luôn cố gắng ở mức cao nhất để không phải nhờ vả tới người khác. Khi chị sinh cháu, anh vẫn mò mẫm giặt đồ cho con, cho vợ. Đến bữa, anh tự kẹp thìa vào hai khoeo tay xúc cơm ăn. Chỉ khi tắm rửa thì cần tới vợ giúp.

Anh Đức trầm ngâm chia sẻ, anh làm tất cả những điều đó là vì không muốn trở thành gánh nặng cho vợ con, người vô dụng. Vợ anh thường dặn dò con, bố không thể đưa các con đi chơi như nhà người khác, không khoẻ mạnh để bảo ban con nhiều, các con phải ngoan, học giỏi... làm anh rất xúc động, anh muốn phấn đấu, làm được điều gì đó để bù đắp cho gia đình mình.

Tôi hỏi anh chị xinh đẹp thế, anh có sợ mất chị không, anh cười rất tươi: "Được cái nhà tôi có gì về cũng kể, ai tán tỉnh thế nào cũng không giấu. Có lần về hỏi tôi có người trả mấy chục triệu đẻ thuê, tôi bảo nhà mình nghèo thật, nhưng họ có trả tới 1 tỷ cũng không làm". Tôi thấy chị Tân nhìn chồng mà mắt rưng rưng.
Mai Loan