Là vùng bán sơn địa, hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng, những năm qua, huyện Kim Bảng đã chú trọng bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Khu danh thắng Đền Trúc – Ngũ Động Sơn có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, núi non trùng điệp, du khách đến đây như như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh của hệ thống hang động độc đáo nguyên sơ và đền Trúc nằm giữa rừng trúc lên thơ, nơi thờ Thái Úy Lý Thường Kiệt. Sự kết hợp hài hòa giữa danh lam thắng cảnh với di tích lịch sử văn hóa quốc gia đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách đến thăm quan vãng cảnh năm sau cao hơn năm trước. Chỉ tính riêng năm 2017, ban quản lí khu di tích đã đón hơn 15.000 lượt khách, tăng 40% so với năm 2016 và tăng 300% so với 3 năm trở về trước.
Lối vào Đền Trúc – ngũ Động Sơn
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo tồn di sản văn hoá trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch, Kim Bảng đã huy động hàng trăm tỷ đồng tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa. Nguồn vốn chủ yếu do nhân dân đóng góp, con em xa quê công đức và nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Đến nay toàn huyện có 10 di tích cấp quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh. Một số di tích lịch sử văn hoá có giá trị được đưa vào khai thác du lịch như Chùa Bà Đanh – Núi ngọc, Đền bà Lê Chân, Chùa Đức Tiên Ông. Đối với việc bảo tồn văn hóa phi vật thể, huyện chỉ đạo phát triển các loại hình nghệ thuật. 100% thôn xóm có câu lạc bộ (CLB) hát dân ca, Duy trì CLB hát chèo xã Lê Hồ, hát dặm Quyển Sơn xã Thi Sơn. Các lễ hội truyền thống, các trò chơi dân gian cũng dần được khôi phục. UBND huyện đặc biệt chú trọng khôi phục lại môn đua thuyền, bơi chải, nhằm khai thác hiệu quả tuyến du lịch Sông Đáy kết nối với điểm du lịch quốc gia Tam Chúc - Ba Sao và các danh thắng, các di tích lịch sử: Núi Ngọc - Chùa bà Đanh, Đền Trúc - Ngũ Động Sơn, Đền bà lê Chân. Trong năm 2017, huyện đã mở 2 lớp cho gần 100 học viên. Coi đây là nguồn lực để phát triển du lịch trong những năm tới.
Núi Ngọc – Chùa Bà Đanh bên cạnh dòng Sông Đáy thơ mộng
Bên cạnh đó Kim Bảng đã chủ động quy hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, kết nối các điểm du lịch, trọng tâm là khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao, tạo ra một chuỗi du lịch thu hút khách thăm quan. Đặc biệt khách thăm quan Chùa Hương –Hà Nội và Động Tiên – Hòa bình...Quy hoạch vùng sản xuất nông sản đặc sản như rau sắng, mật ong rừng, phát triển đàn dê, bảo tồn loài cá chối. Phục dựng lại làng Gốm Quyết Thành – Thị trấn Quế, dệt vải thổ cẩm xã Đồng Hóa tạo sản phẩm du lịch đặc trưng liên quan đến văn hóa ẩm thực, lưu trú nhà hàng, khách sạn. Công tác quảng bá du lịch được đẩy mạnh, huyện đã bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ hướng dẫn viên. Làm 8 phóng sự phát trên hệ thống truyền thông, cung cấp tờ rơi, kẽ vẽ pa nô khẩu hiệu tuyên truyền, quảng bá tại các điểm du lịch. Năm 2017, toàn huyện đã đón hơn 80.000 lượt khách du lịch, tăng 266% so với năm 2016. Kim Bảng phấn đấu đến năm 2025 có trên 2,5 triệu lượt khách/năm, doanh thu dịch vụ du lịch tăng bình quân 35% – 40%/năm, chuyển dịch từ 3.000 – 5.000 lao động nông nghiệp sang phục vụ ngành du lịch, dịch vụ.
Có thể nói việc bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch ở Kim Bảng đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực trong việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông và hướng tới phát triển nền kinh tế không khói, bụi, xanh sạch và bền vững