Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội đề xuất Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục quan tâm, ưu tiên tập trung, bố trí nguồn vốn cho ngân hàng để triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách.
Tổng dư nợ đến 31.8.2023 đạt hơn 306.000 tỷ đồng
Phát biểu tham luận tại phiên thảo luận chuyên đề 02 “Nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới" trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt sau 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Đức Hải phát biểu.
Theo đó, Ngân hàng đã huy động được nguồn vốn lớn, đa dạng; đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó, tập trung ưu tiên cho vay đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo..., góp phần thực hiện các chính sách xã hội, tạo sinh kế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Đến 31.8.2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 325.221 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 306.574 tỷ đồng, tăng 297.943 tỷ đồng so với thời điểm nhận bàn giao (gấp 35,5 lần), với hơn 6,6 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt khoảng 20,9%.
Cùng với tăng trưởng quy mô tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách xã hội thường xuyên được duy trì, củng cố, nâng cao. Tính đến 31.8.2023, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là 1.889 tỷ đồng, chiếm 0,62%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn 571 tỷ đồng, chiếm 0,19%/tổng dư nợ.
Cũng trong 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giải ngân cho hơn 44.407 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ hơn 6,5 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho gần 6,4 triệu lao động, trong đó hỗ trợ hơn 147 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ gần 3,9 triệu học sinh sinh viên được vay vốn đi học; xây dựng hơn 18 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Nguồn vốn này cũng đã giải ngân cho 3.807 lượt doanh nghiệp (1.793 doanh nghiệp) với số tiền 4.829 tỷ đồng để trả lương cho 1.230 nghìn lượt lao động (gần 546 nghìn lao động) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn cả nước…
Tín dụng chính sách xã hội được thiết kế thành hệ thống chính sách đồng bộ, hỗ trợ đa chiều, giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống của người nghèo, đối tượng chính sách khác; hạn chế, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng của Đảng, Nhà nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong cả nước, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội đánh giá.
Đẩy mạnh tuyên truyền tín dụng chính sách xã hội
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tín dụng chính sách xã hội còn một số khó khăn cần khắc phục, như nguồn vốn đa dạng nhưng chưa bền vững…
Quang cảnh Hội thảo chuyên đề 2.
Để giải quyết triệt để khó khăn, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội đề xuất Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục quan tâm, ưu tiên tập trung, bố trí nguồn vốn để phát huy vai trò của Ngân hàng vốn đóng vai trò chủ lực trong triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Về phía các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội theo Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội; đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cần căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù
Về phía Ngân hàng Chính sách xã hội, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư; tăng cường công tác đào tạo cán bộ, kiện toàn, bồi dưỡng nhân sự của hệ thống để thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách xã hội trong tình hình mới; là chỗ dựa tin cậy của người nghèo, các đối tượng chính sách.