Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; cũng là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Mặc dù gặp khó khăn do tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, song được sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở ban ngành của tỉnh, sự chỉ đạo tập trung của Huyện ủy, giám sát của HĐND huyện, sự điều hành sâu sát, quyết liệt của UBND huyện, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong huyện, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Kim Bảng cơ bản được ổn định và phát triển, quốc phòng an ninh được giữ vững, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng, chính quyền, tích cực đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng NTM kiểu mẫu.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp
Về kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2021; 18/18 chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Nhiều chỉ tiêu có mức tăng trưởng cao so với năm 2020 là; Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn ước đạt 14%; Cơ cấu kinh tế Nông-lâm-thủy sản 7,2%, Công nghiệp - xây dựng 67,2%, Dịch vụ 25,6%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 95,2 triệu đồng, đạt 100,2% kế hoạch, tăng 9,4% so với cùng kỳ; Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 2,5% ; Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 17.610 tỷ đồng, đạt 100,1% kế hoạch, tăng 25,6% so với cùng kỳ; Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 80,8 triệu USD; Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 4.733 tỷ đồng. Toàn huyện đã Giải quyết việc làm mới cho 3.400 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 69,6%; Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp ước đạt 75%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,34%. Tỷ lệ hộ gia đình giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa đạt 91%. Trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nông thôn huyện Kim Bảng đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Chỉ đạo hoàn thành kế hoạch sản xuất 2 vụ lúa trong năm 2021, năng suất lúa cả năm đạt 127,9 tạ/ha, tăng 2,3tạ/ha so với năm 2020. Cây vụ đông gieo trồng 2.309 ha, đạt 97,5% kế hoạch. Thực hiện tốt một số mô hình, đề án có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Chăn nuôi được duy trì ổn định. Huyện đã chỉ đạo làm tốt công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng, tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, do đó trên địa bàn huyện không phát sinh dịch bệnh. Hiện toàn huyện có Tổng đàn lợn 68.850 con; đàn bò 6.300 con; đàn dê 9.050 con; đàn trâu, bò trên 7000 con. Sản lượng thủy sản 7.085 tấn bằng 100,5%KH. Triển khai Đề án phát triển đàn lợi nái tại xã Văn Xá, Đồng Hóa, Lê Hồ, Hoàng Tây.
Cảnh quan môi trường có nhiều đổi mới
Không chỉ đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp huyện Kim Bảng còn tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Năm 2021 huyện nhà Thường xuyên nắm tình hình, kịp thời giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng dịch Covid-19 theo đúng thẩm quyền với tinh thần quyết liệt, triệt để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Chú trọng kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Tăng cường quản lý nhà nước gắn với nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ tại các cụm công nghiệp . Phối hợp thực hiện công tác quản lý, hỗ trợ phát triển khu công nghiệp Đồng Văn IV. Các làng nghề, làng có nghề được duy trì, phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá mở rộng thị trường; quan tâm phát triển làng nghề Gốm Quyết Thành, sản phẩm gốm son đạt 1.100.000 sản phẩm, tăng 21,2% so với năm 2020. Do thực hiện đồng bộ các giải pháp, năm 2021 Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện đã đạt 17 tỷ 610 triệu đồng, đạt 100,1% KH, tăng 25,6% so với năm 2020. Thương mại, dịch vụ tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Thị trường hàng hóa ổn định về số lượng, chủng loại hàng hóa đa dạng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hoạt động vận tải, bưu chính viễn thông, cấp nước sạch, điện lực tiếp tục phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Hoạt động tín dụng, ngân hàng đã thực hiện tốt vai trò huy động vốn và cho vay vốn, điều chỉnh giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mô hình nuôi cá sông trong ao tại xã Thanh Sơn
Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục của huyện Kim Bảng cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Quốc phòng an ninh được giữ vững, các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, tạo được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp, tạo tiền đề quan trọng để huyện Kim Bảng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2021. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được huyện Kim Bảng vẫn còn bộc lộ 1 số tồn tại hạn chế đó là; Hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, dịch vụ và du lịch trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Công tác chỉ đạo điều hành ở một số địa phương thực hiện một số việc chưa đảm bảo tiến độ: Thực hiện đề án xây mới, nâng cấp, sửa chữa nhà văn hóa thôn, tổ dân phố còn chậm do khó khăn trong bố trí nguồn kinh phí thực hiện; công tác triển khai thực hiện đề án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt còn chậm. Quản lý nhà nước tại một số địa phương tuy có chủ động nhưng còn hạn chế, phát sinh vi phạm mới và xử lý một số vi phạm chưa triệt để trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng, hành lang an toàn giao thông, môi trường.
Năm 2022 huyện Kim Bảng tiếp tục khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững, gắn với chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, phát triển ngành nghề nông thôn và thực hiện thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người theo mức sống đạt 67 triệu đồng/ người/ năm.