Kim Bảng là huyện bán sơn địa, có tổng diện tích đất tự nhiên 175,39 km2. Toàn huyện có 16 xã và 02 thị trấn. Huyện Kim Bảng ngày nay được biết đến là nơi có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng cũng như có nhiều thuận lợi trong thu hút các doanh nghiệp đầu tư công nghiệp, du lịch, xây dựng. Tháng 11/2023 Kim Bảng đã được Bộ xây dựng quyết định công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV. Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kim Bảng đang ra sức nỗ lực xây dựng huyện Kim Bảng trở thành Thị xã trước năm 2025 theo đúng lộ trình đã đề ra.
Nhìn lại chặng đường 10 năm qua Đảng bộ và nhân dân huyện Kim Bảng đã gặp không ít khó khăn, thách thức. Đó là xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, kết cấu hạ tầng lạc hậu, không đồng bộ. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào cây lúa, phụ thuộc vào thiên nhiên. Đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn… Mặc dù gặp không ít khó khăn thách thức, xong Đảng bộ và nhân dân huyện Kim Bảng vẫn tiếp tục phát huy truyền thống chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí vươn lên, cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương ngày thêm đổi mới.
Kim Bảng phấn đấu trở thành Thị xã trước năm 2025
Xuyên suốt qua các kỳ Đại hội, Đảng bộ huyện Kim Bảng đã có nhiều Nghị quyết chuyên đề mang tính đột phá phù hợp với tình hình thực tế từng thời kỳ. Đảng bộ huyện đã đổi mới tư duy, trăn trở tìm hướng đi mới, đề ra nhiều giải pháp, mang tính đột phá nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội. Sau nhiều năm đổi mới và phát triển, Kim Bảng đã vươn lên mạnh mẽ, tạo sự chuyển biến tích cực, toàn diện trên các linh vưc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức cao (giai đoạn 2020-2022 tăng trưởng bình quân đạt trên 14,84%/năm), GRDP đầu người năm 2022 đạt 67,1 triệu đồng/người. Thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng cao. Công tác GPMB, thúc đẩy hỗ trợ thu hút đầu tư đạt kết quả tốt. Diện mạo, vị thế của huyện đổi thay tích cực, tạo được sự bứt phá về cơ sở hạ tầng giao thông, văn hoá - xã hội, hạ tầng dịch vụ và các khu, cụm công nghiệp... Phong trào xây dựng NTM, NTM nâng cao tiếp tục được triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả; cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động thương mại - dịch vụ phát triển sôi động. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ, hiện đại, có các yếu tố cấu thành một thị xã trong tương lai. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. ANCT - TTATXH được giữ vững. Năm 2020 và 2021, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kim Bảng vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và Huân chương Độc lập hạng Nhất. Ngày 08/11/2023, huyện Kim Bảng đã được Bộ Xây dựng công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV trực thuộc tỉnh Hà Nam theo Quyết định số 1128/QĐ-BXD. Đây là tiền đề quan trọng, mở ra thời cơ mới, vị thế mới để Kim Bảng tiếp tục huy động các nguồn lực, tập trung cho phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội, đô thị, từng bước hiện đại, đáp ứng đủ điều kiện được công nhận trở thành thị xã trước năm 2025.
Cơ giới hóa trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng phát triển
Để đạt được mục tiêu trên huyện Kim Bảng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân trong huyện nắm vững chủ trương của tỉnh, của huyện về việc xây dựng huyện Kim Bảng trở thành thị xã trước năm 2025. Tập trung phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, hành lang an toàn giao thông, công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB để người dân, tổ chức và doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát thực hiện theo quy hoạch và tạo sự đồng thuận trong xã hội. Làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, công bố, công khai các quy hoạch trên hệ thống thông tin đại chúng, nhất là các quy hoạch về đất đai, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng, trước mắt, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện việc rà soát lại các quy hoạch, các chương trình, dự án đầu tư hiện có, điều chỉnh, bổ sung, bảo đảm các quy hoạch đồng bộ, hiện đại, phù hợp với định hướng phát triển chung và phát triển bền vững. Tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển sản xuất kinh doanh, quan tâm hơn đến không gian công cộng, quảng trường, nhận diện đô thị, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách. Thực hiện đấu giá tại các vị trí đã được UBND tỉnh chấp thuận địa điểm, các vị trí xen kẹp trong khu dân cư; đề xuất các dự án đô thị, nhà ở để dành 100% tiền sử dụng đất cho huyện để phục vụ đầu tư các dự án hạ tầng khung đô thị; ưu tiên nguồn lực xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật khung đô thị như hệ thống đường giao thông, vỉa hè, các công trình kiến trúc cảnh quan, công viên, cây xanh đô thị, quảng trường hệ thống chiếu sáng, hệ thống thoát nước mưa và nước thải. Hỗ trợ, đẩy nhanh đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Kim Bảng I; các cụm công nghiệp mới Lê Hồ, Đồng Hóa, Thi Sơn I.
Diện mạo các xã, thị trấn đổi thay, phát triển
Quan tâm thu hút đầu tư đô thị, nhà ở, khu nhà ở công nhân theo quy hoạch, tăng dân số cơ học. Công khai danh mục, tăng cường kêu gọi đầu tư các dự án nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống đô thị: đầu tư trường học, trung tâm y tế, bệnh viện chất lượng cao, các khu vui chơi, giải trí, xử lý nước thải, rác thải;… Tăng cường quản lý đầu tư, bảo đảm chất lượng các công trình xây dựng; thực hiện hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, trật tự xây dựng, hành lang an toàn giao thông; quản lý đất đai, khoáng sản trên địa bàn huyện; phát hiện sớm, xử lý nghiêm, triệt để vi phạm mới phát sinh. Tập trung triển khai Chương trình phát triển đô thị Kim Bảng đến năm 2030, quy chế quản lý kiến trúc đô thị. Tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn nâng cấp huyện đạt đô thị loại IV, tiêu chuẩn thành phường. Tập trung thực hiện các nội dung theo Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 02/1/2024 của UBND huyện về xây dựng Đề án thành lập thị xã Kim Bảng và thành lập các phường thuộc thị xã Kim Bảng (lồng ghép việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 vào Đề án). Phấn đấu trong tháng 6/2024, báo cáo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thông qua; Quý 3/2024 đến Quý 4/2024, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, công nhận. Tập trung làm tốt công tác GPMB, tạo quỹ đất "sạch" thu hút các nhà đầu tư; chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trước mắt các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB, đầu tư xây dựng cầu Tân Lang và tuyến đường liên kết vùng, nối từ đường vành đai 4, vành đai 5 qua QL38 đến QL21; đường nối từ vành đai 4 - vành đai 5; đường song hành QL21; Khu công nghiệp Kim Bảng I;... đặc biệt tập trung hoàn thành các khu tái định cư để sớm giao đất cho các hộ bị ảnh hưởng dự án. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cho người dân đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền đô thị. Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế-xã hội và nguồn nhân lực quản lý đô thị. Giải quyết tốt các vấn đề quản lý đô thị, đất đai, khoáng sản, ô nhiễm môi trường và các vấn đề xã hội khác. Thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo đảm an sinh xã hội. Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các tệ nạn xã hội, các loại tội phạm, làm tốt công tác dân vận, kịp thời giải quyết những bức xúc của người dân ngay từ cơ sở; tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch vững mạnh.