Tín dụng chính sách xã hội là một trong những chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước, với mục tiêu chính là giảm nghèo, hỗ trợ vốn cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và khó khăn, giải quyết công ăn việc làm cho người nghèo, hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Với những mục tiêu quan trọng này, tín dụng chính sách xã hội đã và đang góp phần quan trọng thực hiện các chỉ tiêu đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tín dụng chính sách xã hội là một trong những chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước. “Tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng của Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo". Với tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội, ngày 22/11/2014, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40). Chỉ thị nhấn mạnh: “Trong những năm qua, tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH thực hiện là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Chỉ thị số 40 cũng khẳng định “tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội". Sau một thời gian thực hiện, ngày 10/6/2021, Ban Bí thư ban hành Kết luận 06-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40. Kết luận đã khẳng định: “Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị và triển khai tích cực của NHCSXH, công tác tín dụng chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; đã huy động được hàng trăm nghìn tỉ đồng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách ở 100% xã, phường, thị trấn của cả nước, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội, những người có hoàn cảnh khó khăn và xây dựng nông thôn mới". Kết luận cũng đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội.
Tín dụng chính sách xã hội đã và đang góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới để đạt chỉ tiêu xã nông thôn mới và xã nông thôn mới kiểu mẫu
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội khóa XIII của Đảng đã khẳng định: “trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa". Nhìn một cách tổng thể, việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội là một trong những chủ trương, chính sách quan trọng hướng tới mục tiêu hạnh phúc, ấm no cho nhân dân, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong khuôn khổ bài viết này, những phần trình bày tiếp theo sẽ bàn sâu về vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện định hướng chỉ tiêu giảm nghèo và định hướng chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Góp phần quan trọng thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã định hướng: “tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1% - 1,5% hằng năm". Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bao trùm, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đổi mới thực chất cách tiếp cận trong giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, giảm hỗ trợ cho không, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên tự thoát nghèo; hạn chế bất bình đẳng xã hội". Như vậy, giảm nghèo đa chiều, bền vững, bao trùm là một chỉ tiêu quan trọng được khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Và, triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bao trùm là một nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Nhìn một cách tổng thể, việc thực hiện chính sách tín dụng xã hội là chủ trương, chính sách quan trọng để đạt chỉ tiêu giảm nghèo đa chiều. Trên thực tế, “trong những năm qua, NHCSXH đã triển khai và thực thi có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, chấp hành đúng chế độ quản lý tài chính và các quy định của Nhà nước và của ngành; thực hiện được những mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là tập trung nguồn lực lớn, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo; nâng cao chất lượng và hiệu quả vốn tín dụng chính sách; huy động lực lượng toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn, hòa nhập với sự phát triển của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội". Trên phương diện thực hiện mục tiêu giảm nghèo, Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Đảng ủy NHCSXH Trung ương cho biết: “Trong kỳ, đã có 7,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH, tổng doanh số cho vay đạt 268.930 tỷ đồng, với trên 6,6 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp thu hút, tạo việc làm cho trên 1,7 triệu lao động; giúp trên 167 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập".
Như vậy, việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội đã và đang góp phần quan trọng để đạt chỉ tiêu giảm nghèo được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với hàng triệu lượt hộ nghèo được vay vốn. Thêm nữa, tín dụng chính xã hội trên thực tế còn góp phần thực hiện quan điểm chỉ đạo tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là “triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bao trùm". Cụ thể là “Chính sách tín dụng đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm (bao gồm hỗ trợ tạo việc làm trong nước và hỗ trợ lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài): đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh/thương nhân hoạt động thương mại ở vùng khó khăn, người lao động, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, đồng bào dân tộc thiểu số". Nói tóm lại, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bao trùm để hướng đến việc đạt chỉ tiêu giảm nghèo của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Góp phần quan trọng thực hiện chỉ tiêu xây dựng Nông thôn mới
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã định hướng: “tỷ lệ xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới tối thiểu 80%, trong đó ít nhất 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu". Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng khẳng định: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị. Khuyến khích phát triển kinh tế hộ, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư, cải tiến quản lý nhà nước để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; kết nối nông thôn với đô thị; tiếp tục đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng đời sống văn hoá, nông thôn mới kiểu mẫu và bảo vệ môi trường sinh thái". Như vậy, xây dựng nông thôn mới là một trong những chủ trương quan trọng được khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Và xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh với những định hướng cụ thể về tỷ lệ xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đã được khẳng định rõ trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trên thực tế, tín dụng chính sách xã hội đã và đang góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới để đạt chỉ tiêu xã nông thôn mới và xã nông thôn mới kiểu mẫu. Minh chứng cụ thể là “trong quá trình triển khai tín dụng chính sách xã hội, để phù hợp với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và giải quyết những vấn đề cấp bách đặt ra từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; các Bộ, ngành, địa phương và NHCSXH đã tích cực phối hợp, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung chính sách tín dụng với đa dạng mục tiêu, mở rộng đối tượng thụ hưởng, điều chỉnh nâng mức cho vay, kéo dài thời hạn cho vay phù hợp với khả năng cân đối, bố trí nguồn lực, mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài chính sách cho vay vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, còn có các chính sách cho vay vốn để giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới".
Báo cáo kết quả hoạt động năm 2021, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2022 của NHCSXH nêu rõ: “Tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm của NHCSXH, bao gồm: cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay giải quyết việc làm,… đạt dư nợ 182.402 tỷ đồng, chiếm 73,6% tổng dư nợ. Tín dụng phục vụ đời sống, sinh hoạt bao gồm: cho vay học sinh, sinh viên, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, cho vay nhà ở xã hội, cho vay hộ nghèo làm nhà ở phòng tránh bão, lụt khu vực miền Trung, cho vay mua nhà ở trả chậm vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Dư nợ các chương trình này đạt 65.568 tỷ đồng, chiếm 26,4% tổng dư nợ". Nhìn một cách tổng thể, các kết quả cho vay này minh chứng vai trò quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong xây dựng nông thôn mới. Nói cách khác, với chính sách tín dụng đa mục tiêu như thế, tín dụng chính sách xã hội đã và đang góp phần hiệu quả vào quá trình xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong quá trình xây dựng nông nông thôn mới, một số chiều cạnh dưới đây nên được quan tâm nhiều hơn. Trước hết, tín dụng chính sách xã hội có thể cung cấp vay vốn với lãi suất ưu đãi hơn cho các nông hộ, nông dân và người lao động ở nông thôn nói chung, người nghèo, hộ nghèo ở nông thôn nói riêng. Nhờ vậy, họ có thể dễ dàng tiếp cận vốn để đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn, mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cao năng suất lao động và cải thiện điều kiện sống. Thứ hai, tín dụng chính sách xã hội có thể tập trung vào hỗ trợ cho các dự án nông nghiệp bền vững, như nâng cao chất lượng đất đai, áp dụng kỹ thuật canh tác hiện đại, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, và thúc đẩy sản xuất hữu cơ. Điều này giúp cải thiện hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường, và đồng thời tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn và chất lượng cao. Thứ ba, tín dụng chính sách xã hội có thể tập trung vào việc hỗ trợ đa dạng hóa nghề nghiệp ở nông thôn. Việc này bao gồm khuyến khích sự phát triển của các ngành nghề, thương mại và dịch vụ tại các khu vực nông thôn, giúp người dân có nhiều lựa chọn công việc hơn và giảm thiểu sự phụ thuộc vào nông nghiệp truyền thống. Thứ tư, tín dụng chính sách xã hội có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đầu tư vào phát triển hạ tầng, nhất là nhà ở và các dự án cải thiện cuộc sống của cộng đồng nông thôn nói chung, người nghèo, hộ nghèo ở nông thôn nói riêng.
Tín dụng chính sách xã hội có thể giúp người dân nông thôn, người nghèo, hộ nghèo ở nông thôn nói riêng có thể dễ dàng tiếp cận vốn và các nguồn lực cần thiết để phát triển kinh tế, cải thiện điều kiện sống nhằm thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng cần phải được tập trung thực hiện. Trong đó, hai nhiệm vụ, giải pháp cần lưu ý. Thứ nhất, NHCSXH cần tập trung huy động nguồn vốn từ Trung ương và tranh thủ nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương; đồng thời chủ động báo cáo Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan, cân đối nguồn vốn từ kế hoạch đầu tư công trung và dài hạn cấp vốn tín dụng. Ngoài ra, việc tăng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cũng là một giải pháp quan trọng. Thứ hai, trong quá trình tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, NHCSXH nên ưu tiên mở rộng tín dụng theo hướng tăng định mức và mở rộng đối tượng được vay đến các dự án/tiểu dự án sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế và việc làm cho hộ nghèo và hộ cận nghèo. Đặc biệt, NHCSXH cần quan tâm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện thu nhập và chất lượng cuộc sống. Những nỗ lực này nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, theo Nghị quyết 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội.