Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách và Chỉ thị số 05- CT/HU ngày 14/9/2021 của Ban thường vụ Huyện ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội" đã mang lại nhiều kết quả tích cực trên địa bàn huyện Kim Bảng. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp nhiều hộ nghèo, đối tượng chính sách có việc làm và thu nhập ổn định.
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kim Bảng tổ chức phiên giao dịch tại Điểm giao dịch xã hàng tháng
Qua 10 năm thực hiện Chị thị số 40-CT/TW, kết luận số 06-KT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 867-CT/TU ngày 14/01/2015 của Ban thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ thị số 05- CT/HU ngày 14/9/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Kim Bảng. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội tại địa phương. Với phương thức “giao dịch tại nhà - giải ngân, thu nợ tại xã", đến nay Phòng giao dịch NHCSXH huyện Kim Bảng và các tổ chức chính trị - xã hội đang quản lý 212 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại tất cả các thôn/tổ dân phố trong huyện; đồng thời, tổ chức giao dịch tại 18/18 điểm giao dịch ở các xã, thị trấn
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân cho khách hàng tại Điểm giao dịch xã
Các tổ giao dịch tại xã được trang bị đầy đủ điều kiện hoạt động như tại ngân hàng huyện, bảo đảm an ninh, an toàn cho phiên giao dịch; cung cấp dịch vụ gửi tiền tiết kiệm cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% thôn/tổ dân phố trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng nhanh chóng, kịp thời, thuận lợi, đảm bảo an toàn và tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân.
Người dân có thể gửi và rút tiền gửi tiết kiệm ngay tại Điểm giao dịch xã của Ngân hàng CSXH (tại trụ sở UBND xã)
Tính đến tháng 05/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Kim Bảng đạt trên 560 tỷ đồng, với 12 chương trình tín dụng ưu đãi đang triển khai thực hiện, cho hơn 8.800 khách hàng đang sử dụng vay vốn. Trong 10 năm qua vốn vay đã gúp cho 37.309 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các ĐTCS có vốn để sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống từng bước thoát nghèo bền vững. Nhờ đó đã có hơn 12.628 lượt hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo có vốn để sản xuất kinh doanh, từng bước thoát nghèo; 120 hộ xóa được nhà tạm bợ, dột nát theo chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, xây dựng được 30.530 công trình nước sạch và công trình vệ sinh đạt chuẩn giúp cải thiện môi trường sống; hỗ trợ cho 2.929 em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn đi học, 330 em HSSV được vay vốn mua máy tính để học tập trực tuyến; 2.540 lao động được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm; hỗ trợ 156 hộ có thu nhập thấp, công nhân và các đối tượng chính sách xây dựng mới/sử chữa, cải tạo nhà để ở theo chương trình cho vay Nhà ở xã hội; 06 lao động chấp hành xong án phạt tù được vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, thúc đẩy quá trình tái hòa nhập cộng đồng.
Thực hiện Kết luận số 06-KL-TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Kết luận 06-KL/TW, Chỉ thị số 06-CT/TU, ngày 07/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban thường vụ Huyện ủy ban hành Chỉ thị số 05- CT/HU ngày 14/9/2021 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tích cực phổ biến, tuyên truyền, triển khai đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thấy rõ vai trò, trách nhiệm, hiệu quả công tác tín dụng cơ sở, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn, sử dụng vốn vay hiệu quả. Việc huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội được HĐND, UBND huyện quan tâm. Xác định được tầm quan trọng và ý nghĩa nhân văn của tín dụng chính sách xã hội, hàng năm Huyện Ủy- HĐND- UBND huyện đã trích một phần ngân sách chuyển sang NHCSXH huyện nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. UBND huyện chỉ đạo Ban đại diện HĐQT, NHCSXH huyện thực hiện cho vay đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Đến nay, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW tổng nguồn ngân sách do UBND huyện chuyển sang NHCSXH là 5.172 triệu đồng (bao gồm cả 01 phần lãi nhập bổ sung nguồn vốn hàng năm).
Phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện tiếp tục tham mưu Huyện ủy, HĐND, UBND huyện triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch phát triển Kinh tế - xã hội của địa phương. Định hướng phát triển tăng trưởng bền vững, có hiệu quả, đi đôi với tiến độ, công bằng xã hội. Việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình xây dưng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện và thúc đẩy phát triển kinh tế là nhiệm vụ hết sức quan trọng của Huyện ủy, HĐND và UBND huyện, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp. Do đó phải xác định tín dụng chính sách xã hội là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo một cách cơ bản và bền vững. Cần nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH để thực sự là công cụ thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách của Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững tại địa phương, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn hiệu quả, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng./.