Theo báo cáo từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kim Bảng tính đến 31/3/2023 tổng dư nợ cho các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn huyện vay vốn đã đạt 490.505 triệu đồng, với 7.609 hộ đang dư nợ. Trong đó số dự nợ cho vay là hộ nghèo và cận nghèo từ đầu năm 2023 đến nay đã đạt 1.180 triệu đông; hộ mới thoát nghèo 19.090 triệu đồng; cho vay học sinh sinh viên 540 triệu đồng; cho vay theo chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn 8.700 triệu đồng; cho vay giải quyết việc làm 6.360 triệu đồng; cho vay nhà ở xã hội theo NĐ 100 là 3.890 triệu đồng;

Cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội Kim Bảng đang tập trung giải ngân nguồn vốn cho các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn huyện
Theo bà Lê Thanh Huế - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kim Bảng cho biết: Hiện trên địa bàn huyện Kim Bảng có 212 tổ TK&VV thông qua các tổ chức đoàn thể. Tổng dư nợ thông qua các hội đoàn thể nhận ủy thác tính đến 31/3/2023 là 490.120 triệu đồng, với 7.814 hộ vay, chiếm 99,91 % tổng dư nợ. Cụ thể dư nợ do HPN quản lý đạt 182.929 triệu đồng/2.845 hộ vay vốn; dư nợ do HND quản lý đạt 131.450 triệu đồng/2.072 hộ vay vốn: dư nợ do HCCB quản lý là 88.516 triệu đồng/1.459 hộ vay vốn: dư nợ do ĐTN quản lý là 87.226 triệu đồng/1.438 hộ vay vốn. Để quản lý tốt nguồn vốn vay, ngay từ đầu năm 2023 Phòng giao dịch NHCSXH huyện Kim Bảng đã ủy thác cho các tổ chức chính trị xã hội huyện, các xã, thị trấn quản lý và giám sát việc sử dụng vốn vay, hướng dẫn các hộ vay tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT do các ngành tổ chức, để từ đó người dân có kiến thức phát huy hiệu quả đồng vốn. Qua đánh giá, tất cả các hộ dân vay vốn trên địa bàn huyện thời gian qua đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Đặc biệt nhờ một số đổi mới trong định mức, đối tượng vay vốn, đã giúp cho nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất. Với nguồn vốn vay ưu đãi được người dân sử dụng hiệu quả, không những nhiều hộ đã thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả, xây dựng nhà ở kiên cố, mua sắm mới các trang thiết bị sinh hoạt tiện nghi. Việc triển khai tốt nguồn vốn vay cho các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn huyện thông qua các tổ chức hội như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện tính đến hết năm 2022 giảm còn 2,5%. Tuy nhiên, theo bà Lê Thanh Huế – Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kim Bảng thì bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện NHCSXH huyện vẫn còn gặp phải một số khó khăn nhất định như tổng nợ xấu tính đến 31/3/2023 vẫn còn 417 triệu đồng, chiếm 0,090% tổng dư nợ, tăng so với đầu năm 42 triệu đồng. Trong đó nợ quá hạn 348 triệu đồng chiếm 0,071%/ tổng dư nợ; Nợ khoanh 69 triệu đồng, chiếm 0,015/tổng dư nợ. Phòng giao dịch NHCSXH Kim Bảng đang tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tìm giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, trong đó có biện pháp hướng dẫn người dân sử dụng nguồn vốn đúng mục đích; đồng thời phối hợp tổ chức tập huấn về cách thực phát triển sản xuất, chăn nuôi để tăng thu nhập, hướng nghiệp cho người dân có việc làm ổn định. Tiếp tục chỉ đạo PGD NHCSXH huyện, UBND các xã, thị trấn, các cấp, ngành triển khai, thực hiện tốt các chương trình cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ; Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/NQ-CP ngày 30/5/2022 của Chính phủ; thường xuyên quan tâm củng cố nâng cao chất lượng tín dụng, rà soát, sắp xếp Tổ TK&VV để nâng cao chất lượng Tổ; Tiếp tục Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, Ban đại diện tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đồng thời tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức thích hợp để giúp người dân nhận thức đúng đắn, trách nhiệm của người vay trong việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn.