Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có công trình trong nước nào nghiên cứu về việc khai thác nguồn nước biển sâu phục vụ cho ngành y tế. Vì thế, nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Đình Nguyên tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đánh giá nguồn tài nguyên nước biển sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh mắt, xoang, miệng” từ năm 2017 đến năm 2019.
Đề tài hướng đến thực hiện các mục tiêu sau: xác lập được vùng nguồn nước biển có khả năng sử dụng nước biển sản xuất nước xúc miệng chữa bệnh mắt, xoang, miệng; và xác định được thành phần hóa - lý - sinh các mẫu nước biển sâu phục vụ làm nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh mắt, xoang, miệng.
Đề tài đã tiến hành định vị, xác định được vùng mỏ nước biển sâu (thể hiện trên bản đồ theo bề mặt, diện tích) đạt tiêu chuẩn mỏ khoáng nước biển sâu phục vụ khai thác, sử dụng hỗ trợ phòng và và điều trị các bệnh về xoang, miệng trong khu vực biển Quảng Bình đảm bảo các yếu tố: ít bị tác động của dòng chảy ven bờ (tránh ô nhiễm từ dòng chảy ven bờ mang tới); biên độ dao động dòng hải lưu là nhỏ nhất trong khu vực biển Quảng Bình; tầng nước biển không có tác động của ánh sáng, các bề mặt đáy biển. Tọa độ giới hạn của khu vực là: (107°12'6.59" - 107°23'50.93"; 17°15'58.39" - 17°28'53.76") và độ sâu khai thác phù hợp là tầng nước giữa 55m.
Thông qua quá trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã đưa ra được giải pháp điều chế nước muối sinh lý 0,9% NaCl từ nước biển sâu khai thác tại vùng mỏ thuộc khu vực biển tỉnh Quảng Bình; và tích hợp tinh dầu Quế (giàu hợp chất Cinnamaldehyde) vào dung dịch nước biển sâu làm tăng khả năng kháng khuẩn và tạo mùi thơm đối với người sử dụng sản phẩm nước muối sinh lý thiên nhiên từ nước biển sâu (sau khi đã điều chế với nồng độ NaCl là 0,9 %) sử dụng trong phòng và hỗ trợ điều trị bệnh xoang và miệng.
Nước muối sinh lý thiên nhiên từ nước biển sâu có tich hợp hương liệu tinh dầu Quế sử dụng trong phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh về xoang, miệng có thành phần trong sản phẩm gồm: Nước muối biển: 97,5% (tổng lượng khoáng hoá giảm 500 lần); Tinh dầu quế nguyên chất: 0,1%; và Ethanol: 2,4%.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17305/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.